Kết quả và ý nghĩa Giá_-_lương_-_tiền_(Việt_Nam)

Chi ngân sách Nhà nước cho tiền lương tăng vọt, nhưng thu ngân sách lại không tăng bao nhiêu do giá vật tư không tăng bằng mức Ban Chỉ đạo đề nghị. Để cứu ngân sách, tiền được phát hành hơn rất nhiều so với kế hoạch, tạo ra lạm phát. Những vòng xoáy điều chỉnh giá – lương – tiền càng làm cho lạm phát leo thang nhanh chóng trong năm 1986. Tiền phát hành nhiều mà vẫn không đủ. Lương công nhân tăng lên nhưng không theo kịp đà tăng giá. Vật tư, hàng hóa khan hiếm. Giá bán lương thực dù tăng 10 lần vẫn không đủ bù đắp chi phí. Sản xuất nông nghiệp sa sút, đầu tư trong công nghiệp giảm.[4]

Chỉ số giá bán lẻ của thị trường xã hội năm 1986 tăng 587,2% so với năm 1985. Do đồng tiền mất giá, người ta quay sang lấy vàng làm bản vị, khiến giá vàng tăng vọt, còn nhanh hơn cả tăng giá hàng hóa [4].

Thường thì trong một nền kinh tế thị trường khi vật giá tăng thì sẽ kích thích sản xuất theo luật cung và cầu. Nhưng vào thập niên 1980 ở Việt Nam vật giá tăng mà biện pháp là kiềm giá bằng cách quy định giá[1] nên hoàn toàn không có hiệu quả mà còn tạo thêm lạm phát.

Tình trạng khan hiếm hàng hóa khiến cuộc sống chật vật không những về số lượng mà cả về phẩm chất của nhiều mặt hàng.[12] Chính phủ cố điều chỉnh tình trạng suy thoái với những biện pháp giảm lượng hàng buôn qua ngả chợ đen thì kết quả việc "ngăn sông cấm chợ" và lùng bắt hàng "lậu", tức là mọi thứ hàng không qua tay nhà nước. Trên đoạn đường chỉ vài cây số nhưng có thể có chục trạm gác kiểm soát hàng hóa.[19]

Tuy kế hoạch cải cách giá – lương – tiền không diễn ra như kế hoạch do sự chắp vá giữa cải cách với mô hình cũ, gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong thời gian cuối năm 1985 và năm 1986, song chính điều này đã làm cho các cấp các ngành nhận ra rằng đã cải cách là phải cải cách triệt để. Mô hình cũ phải bị chấm dứt hoàn toàn. Trên cơ sở đó cùng với những biến chuyển chính trị toàn cầu như việc kinh tế Khối Warszawa lâm vào trì trệ, Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ sáu của Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 12 năm 1986 đã đưa ra những chủ trương cải cách, đổi mới lịch sử [4].

Liên quan